1. Vệ sinh lưỡi
Bên cạnh chải răng hàng ngày và dùng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám, bạn cần vệ sinh lưỡi. Khi lưỡi không được vệ sinh đúng cách, chúng sẽ là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn tích tụ, khiến hơi thở có mùi khó chịu.
2. Không dùng nước súc miệng sau mỗi lần đánh răng
Dùng nước súc miệng sau mỗi lần đánh răng có thể gây khô miệng, dẫn tới hôi miệng.
Nhiều người có thói quen dùng nước súc miệng sau mỗi lần đánh răng nhưng nó chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn. Về lâu dài, nước súc miệng có thể gây khô miệng, gián tiếp gây ra tình trạng hôi miệng.
3. Súc miệng bằng dầu dừa hoặc dầu ô liu
Lấy một thìa dầu dừa hoặc dầu ô liu, súc miệng trong 15-20 phút để dầu hòa tan các vi khuẩn tích tụ trong khoang miệng và rửa trôi chúng. Đây là phương pháp làm đẹp từ thời cổ xưa của người Ấn Độ.
4. Uống nhiều nước
Uống đủ nước không chỉ giúp loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể mà còn giữ miệng có đủ độ ẩm cần thiết, kích thích tuyến nước bọt hoạt động hiệu quả. Cách này cũng góp phần làm sạch lưỡi và răng khỏi các mảnh vụn thức ăn, ngăn ngừa sự tích tụ của vi khuẩn gây hôi miệng.
5. Hạn chế uống cà phê
Caffeine trong cà phê khiến cơ thể bị mất nước và giảm khả năng tiết nước bọt của khoang miệng. Không nên uống quá nhiều cà phê. Duy trì thói quen bổ sung nước sau khi uống cà phê để giữ hơi thở thơm tho.
6. Ăn nhiều rau
Một số loại rau giúp hơi thở thơm mát như mùi tây, bạc hà... Bạn có thể nhai vài lá sau khi kết thúc bữa ăn để có hơi thở thơm mát hơn.