Để tự bảo vệ mình, bên cạnh tuân thủ nguyên tắc 5K, bệnh nhân ung thư nên tăng cường sức đề kháng để củng cố hàng rào bảo vệ của bản thân trước virus SARS-CoV-2.
Theo Viện Ung thư Quốc gia, có nhiều biện pháp để bệnh nhân ung thư có thể tăng cường hệ miễn dịch, cụ thể:
Vận động thể chất
Mối quan hệ giữa hoạt động thể chất và khả năng miễn dịch đã được nghiên cứu rất nhiều. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hoạt động thể lực mức độ vừa phải giúp giảm khả năng nhiễm trùng so với những người ít vận động hoặc những người có cường độ hoạt động quá nặng.
Một số nghiên cứu cho thấy tập thể dục mức độ trung bình trong thời gian dài có thể cải thiện nhiều khía cạnh trong chức năng miễn dịch như: cải thiện số lượng tế bào có chức năng miễn dịch khi tập thể dục cường độ cao; làm tăng đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng cúm khi tập thể dục nhịp điệu thường xuyên.
Một số nghiên cứu khác cho thấy rằng đối với những người béo phì tập thể dục trong 12 đến 15 tuần cường độ trung bình (ví dụ: 30-45 phút với nhịp tim tăng so với trung bình khoảng 60% đến 75%, 5 lần mỗi tuần) làm giảm tỷ lệ và thời gian nhiễm trùng so với những người ít vận động.
Chế độ dinh dưỡng khoa học
Dinh dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hệ miễn dịch. Tùy vào thể trạng, bệnh nhân có thể xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Suy dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm miễn dịch ở những nước đang phát triển thế giới. Cách giải quyết vấn đề này đơn giản chỉ bao gồm tiêu thụ thực phẩm lành mạnh và chế độ ăn uống cân bằng. Tránh tiêu thụ quá mức bất kỳ chất dinh dưỡng nào, bổ sung đầy đủ năng lượng và các vi chất dinh dưỡng.
Ngược lại, sự dư thừa các chất dinh dưỡng gây ra rối loạn quá trình điều hòa miễn dịch, liên quan đến tình trạng viêm mãn tính nguy cơ phát triển nhiễm trùng cao hơn, đặc biệt là đối với đường hô hấp. Do đó, tăng cường tập thể dục ở người béo phì giúp cải thiện cân nặng, kháng viêm và tăng cường miễn dịch.
Bổ sung một số chất chống oxy hóa (chẳng hạn như vitamin C và E) cho thấy lợi ích đối với việc tăng cường chức năng miễn dịch.
Giảm stress
Nhiều dữ liệu đã cho thấy rằng sự căng thẳng mãn tính có liên quan đến suy giảm nhanh chóng chức năng miễn dịch. Từ đó các liệu pháp giúp giảm căng thẳng bao gồm hỗ trợ các vấn đề về tâm lý xã hội của người bệnh và chuẩn bị các kỹ năng đối mặt với căng thẳng được phát triển ngày càng nhiều. Những liệu pháp này có thể giúp đảo ngược quá trình suy giảm chức năng miễn dịch đồng thời tăng cường khả năng miễn dịch ở người được điều trị so với những người không được điều trị.