"Các bệnh nhi vào viện trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt ở đầu và cuối giấc ngủ. Ngoài ra, các em bị run chi, đi lại loạng choạng", BS Nga cho hay.
Trẻ mắc tay chân miệng nặng chuyển lên TP.HCM điều trị (Ảnh: Nguyễn Huế)
Như trường hợp bé gái 26 tháng tuổi, ở Bắc Giang, nhập viện trong tình trạng sốt cao không hạ, nhiều nốt ban đỏ, giật mình nhiều, được chẩn đoán mắc tay chân miệng, biến chứng viêm não.
Người mẹ cho biết vào đầu năm, trẻ đã mắc tay chân miệng với biểu hiện sốt, lở loét miệng, nhưng điều trị tại nhà vài ngày là khỏi. Lần này, khi bé mắc lại, gia đình không nghĩ con bị nặng nên chậm trễ đưa trẻ đến viện. May mắn, bé được điều trị kịp thời, hiện đã tỉnh táo và chuẩn bị về nhà.
Trường hợp khác, nam, một tuổi, ở Vĩnh Phúc, sốt cao, quấy khóc, chảy dãi, ăn uống kém, nhưng cha mẹ nghĩ con sốt mọc răng nên không đưa đi khám. Đến khi trẻ giật mình, nôn trớ nhiều, gia đình mới đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương, được chẩn đoán mắc tay chân miệng chủng EV71, biến chứng viêm não.
5 năm qua kể từ sau đợt dịch 2018, số ca tay chân miệng nặng rất hiếm gặp. Năm nay, xuất hiên chủng Enterovirus 71 (EV71) có đặc tính lây lan nhanh và độc lực cao nên ca nặng tăng. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hơn 1.200 ca, gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị, 30% nhiễm EV71.
Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ lây tay chân miệng từ người lớn
Sáng 23/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch với 20 tỉnh thành phía Nam, trước tình hình sốt xuất huyết và tay chân miệng diễn biến phức tạp.
Báo cáo tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho hay trong tuần 24, toàn miền Nam ghi nhận hơn 2.000 ca mắc, tăng hơn 23,3% so với tuần trước đó. Thống kê cho thấy có 5 trường hợp tử vong xác định do EV71, 2 trường hợp tử vong chưa có kết quả xét nghiệm.
Ông Thượng cho rằng số liệu tay chân miệng có thể thấp hơn so với thực tế do các ca bệnh nhẹ được thăm khám ở phòng khám, cơ sở y tế tư nhân. Do đó, phân tích dựa trên các ca nặng, Viện Pasteur TP.HCM nhận thấy An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Cần Thơ, TP.HCM là những tỉnh thành có tỷ trọng ca nặng cao.
Bộ Y tế chủ trì cuộc họp phòng chống dịch với khu vực phía Nam tại Viện Pasteur TP.HCM (Ảnh: Tuấn Dũng)
Ông Thượng nhận định tình hình tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng, EV71 chiếm ưu thế. Đây là chủng gây bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao. Các địa phương chưa báo cáo rõ ràng về phân độ lâm sàng tay chân miệng, gây ảnh hưởng đến việc đánh giá độ nặng và xu hướng của bệnh tật. Bệnh đang diễn biến phức tạp và sẽ có nguy cơ lây lan nhiều hơn khi vào năm học.
Đáng chú ý, khoảng 80% người lớn mắc tay chân miệng không có biểu hiện lâm sàng nhưng có thể lây cho trẻ em mà không hề biết. Do đó, việc phòng ngừa tay chân miệng không chỉ tập trung ở trẻ nhỏ, bảo mẫu, trường mầm non mà cả người lớn cũng phải thực hiện rửa tay sạch, vệ sinh sạch… nhằm bảo vệ các bé.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng nhận định, tình hình dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và đã có trường hợp tử vong. So với năm 2022, các tỉnh đã chủ động hơn về công tác nhân lực, chuẩn bị kinh phí chống dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2023, trong đó đảm bảo 4 tại chỗ.
Bà Hương phân tích do người dân có xu hướng thăm khám ở phòng khám tư nhân, cơ sở y tế nhỏ lẻ điều trị khi bệnh nhẹ nên cần lưu ý và giám sát chặt chẽ các cơ sở này. Ngoài truyền thông trong trường học, cần tăng cường truyền thông trong cộng đồng, vì có những người lớn là “người lành mang trùng” có thể lây cho trẻ em.
Thúy Ngà