Đây một gốc mít chĩu quả chéo chéo ngả che mát phố, kia rặng tre lòa xòa, đây lại cây chanh, cây khế. Ngã tư Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Tế Xương vẫn thơ thơ như hồn mấy cụ văn nhân thuở nào.
Tôi với Linh rủ nhau ra quán café, mà thực ra là uống sữa chua hoa quả. Cô ấy không café, không rượu, bia, thuốc lá vân vân. Bình thường nếu không đi học MC hay không có sự kiện thì Linh sẽ ngủ tới trưa vì cô làm ca đêm. Nhưng nay cô dậy sớm vì …tôi rủ.
Bữa trước sinh nhật Linh. Bà nội và các cô, các em từ quê ra. Linh đưa mọi người ra Sen Tây Hồ, chủ yếu để ngắm cảnh, quây quần chụp ảnh kỷ niệm chứ ăn uống thì người quê chẳng ham mấy món buffe. Tôi ngắm Linh hạnh phúc rạng rỡ trong tình thân gia đình, bế bồng hôn hít mấy đứa em nhỏ - giản dị khác hẳn với hình ảnh kiêu sa, lộng lẫy trên sân khấu DJ.
Cô ấy là một DJ có thể nói là đứng đầu lứa DJ Hà nội thế hệ Gen Z bây giờ. Trên sân khấu, Linh Emma (nghệ danh của của cô ấy) tràn đầy năng lượng nhiệt huyết, vui tươi trẻ trung. Còn bây giờ, cô gái ngồi trước tôi lúc này lại dịu dịu trong chiếc áo phông trắng rộng, quần sooc, tóc buộc đuôi gà. Bọn tôi bắt đầu chơi trò “Truth or Dare” (Sự thật hay thử thách). Linh bắt đầu trước:
Tôi không cần nghĩ, đáp luôn:
Linh bảo, đó là những ngày thơ ấu, khi cả nhà Linh còn bên nhau, bố mẹ hay đưa cô con gái duy nhất đi chơi. Đến khi Linh học lớp 6 thì bố mẹ không ở với nhau nữa. Hồi đó đúng tầm tuổi dậy thì, tuổi dở hơi “khó ở” nên Linh rất ghét lúc thì ở với bố, lúc ở với mẹ. Ai cũng muốn Linh ở cùng với mình nhưng Linh ở với bố thì nhớ mẹ, ở với mẹ thì nhớ bố. Rồi, nay ở thành phố mai về quê nên việc học cũng chểnh mảng. Linh bảo, không phải lỗi tại hoàn cảnh đâu, là tại Linh thôi. Nhiều bạn cũng không đủ cả bố và mẹ mà các bạn cũng vẫn học giỏi đó thôi.
Linh mê ca hát, nhảy múa. Hồi nhỏ, Linh thích sinh hoạt hè khu phố. Phố Tây Ga (tên phố nhà ông bà nội Linh) ở thành phố Thanh Hóa có nhà văn hóa lúc nào cũng vui vẻ, nhiều hoạt động văn nghệ. Linh thường được các anh chị phụ trách thiếu nhi cho biểu diễn tiết mục ca hát chính của đội. Có những buổi, mải hát hết bài nọ đến bài kia, các bà các mẹ kéo xuống cho tiết mục khác thì khóc mè nheo. Lớn lên bố mẹ chỉ mong Linh làm đường sắt nối nghề gia đình, nhưng Linh quyết tâm đi theo niềm đam mê sân khấu của mình. Cũng không biết bắt đầu từ đâu nên Linh cứ theo các chị, các bạn lên Hà Nội đi làm mẫu chụp ảnh.
Quan sát thấy các anh chị làm DJ, Linh thấy thích thú và linh cảm rằng cô đã gặp đúng công việc mà mình đam mê, khát vọng của cô gái cũng nẩy nở từ đấy. Kinh phí cho việc học không rẻ, Linh xin bố mẹ nhưng hai người không ai ủng hộ cái nghề lạ hoắc ấy, thậm chí họ còn chẳng hiểu đó là nghề gì nữa. Vì thế, để thực hiện đam mê của mình, Linh vừa đi làm vừa dành dụm rồi theo học.
Tôi bảo, em sớm biết được mình thích gì là hơn chị gấp vạn lần. Chị đỗ đại học rồi mà còn chẳng biết mình sẽ thích làm nghề nào đây. Cứ học xong lại đâm ngang làm nghề khác, rồi vừa đi làm vừa học tiếp lĩnh vực mới.
Ánh sáng rực rỡ sân khấu luôn cuốn hút Linh. Cô nỗ lực chăm chỉ học để đạt được ước mơ một ngày sẽ đứng trước hàng nghìn khán giả, được biểu diễn trên những sân khấu lớn, lan tỏa âm nhạc tích cực tới mọi người.
Ngoại hình xinh đẹp nhưng Linh không lạm dụng trang phục “sexy” để hấp dẫn. DJ Emma hiện đại hôm nay dường như vẫn còn giữ sâu trong lòng mình hình ảnh cô bé yêu màu hồng ca hát trên sân khấu nhà văn hóa phố Tây Ga năm nào.
- Không, Linh cười. Ngày đó hơi nhuốm màu …vàng! Tháng lương đầu tiên làm DJ, Linh mua được một chỉ vàng. Em giữ đến giờ và gửi về bà nội cất hộ. Tiền chi tiêu thì em gửi mẹ, nhưng vàng tiết kiệm được em gửi bà cho khó lấy ra tiêu lung tung. Bà nội giữ chắc nhất quả đất!
Linh hiếm khi tụ tập chốn đông vui bạn bè. Ngoài công việc khá dày các buổi diễn hằng ngày, đi sự kiện các tỉnh, các giờ tập gym, tập nhảy để bổ trợ kỹ năng công việc thì Linh tận dụng mọi thời gian còn lại để nghỉ ngơi …một mình. Cô hay đi chùa một mình hoặc rủ mẹ đi cùng. Đó là những khoảnh khắc rời xa sân khấu ồn ào để chìm vào bình yên, thanh khiết cho tâm tĩnh lặng. Linh tận dụng những buổi sáng rảnh rỗi ít ỏi để cùng mẹ, khi thì thảnh thơi ăn sáng - ngồi chờ từng lá bánh cuốn tráng tay trong quán nhỏ ngã tư Nguyễn Khắc Hiếu – Trần Tế Xương nơi cô đang ở, lúc thì đưa mẹ đi mua sắm. Vì mẹ cũng đến tuổi nghỉ ngơi nên Linh đón mẹ lên Hà Nội ở cùng vừa có mẹ có con lại tình cảm. Thi thoảng đi diễn ở tỉnh xa, Linh kết hợp đưa mẹ đi chơi. Ngày xưa lúc còn trẻ mẹ cũng chẳng được đi đâu, cũng chỉ ở nhà chăm lo cho gia đình và công việc. Giờ Linh muốn bù đắp cho mẹ thật nhiều.
Câu chuyện chuyển về tình yêu. Như mọi cô gái, Linh cũng có giấc mơ về tình yêu. Ừ thì đến “cơm áo còn chẳng đùa với khách thơ” huống hồ là sự gắn bó bạn đời. Bạn đời mà – đi với nhau suốt cả một đời chứ ít đâu, dẫu không dài bất tận nhưng cũng chẳng thể ngắn. Có cân nhắc và suy nghĩ chín chắn các mặt sao cho hài hòa thì chắc có lẽ sẽ bền lâu chăng?! Nhưng tôi hiểu ý Linh, “sự tính toán” hơn thiệt, thậm chí cân đong từ gia thế, địa vị, nghề nghiệp, tiền bạc gia đình tới bạn đời nhiều khi thấy mất hết cả tình yêu.
Bên kia đường, Thế Béo, anh chủ quán phở “hot” trên mạng xã hội đang hô mời vị khách thứ mấy trăm nhận phở. Chỉ quán nhỏ bên gốc cây, nơi vỉa hè mà thực khách khắp nơi đổ về, ngồi dọc cả hai bên rìa phố, mỗi sáng hàng vài trăm khách. Thế Béo cũng là một người thú vị của phố tôi. Một đứa con hiếu thảo, rảnh là bón cơm cho mẹ già yếu, tắm táp cho mẹ. “Mẹ chính là Phật tại gia của tôi đó” – Thế Béo hồ hởi nói với mọi người.
Linh cười sảng khoái, rồi lại thủ thỉ:
Câu hỏi của Linh thả trôi trong không gian mùa thu, lơ lửng lên vòm cây sấu già…
Mỗi năm có bao nhiêu người trẻ tuổi bước vào ngưỡng cửa chọn nghề nghiệp, chọn một con đường mình sẽ đi. Nhiều người may mắn đủ đầy, có người mang những vết thương trong lòng, có thể từ ấu thơ, có thể là cú vấp ngã đầu đời. Nhưng nếu biết mơ ước, biết mong cầu hạnh phúc ắt sẽ nỗ lực vượt lên trên mọi khó khăn, thử thách. Đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh thì quá dễ, hơn nhau ở chỗ thành thật với chính bản thân mình.
Cô bé năm nào nay đã chạm được hạnh phúc trong sự nghiệp đang lên của mình bằng sự dũng cảm, chăm chỉ, dấn thân không ngừng. Người già đôi khi hay chủ quan, chép miệng bảo, bọn trẻ bây giờ không như mình, chúng không mong cầu hạnh phúc gia đình mà chỉ mải mê khẳng định bản thân.
Cô gái thế hệ GenZ, sinh năm 2000 này của tôi làm một cái nghề hiện đại đến thế nhưng tâm tư vẫn ao ước một gia đình nhỏ bình dị. Cô gái ấy đặt nặng sự thấu hiểu trong cả âm nhạc, gia đình và trong mọi mối quan hệ. Có lẽ hạnh phúc mà cô hằng ao ước sẽ đến không nhọc nhằn!
Châu Long phố, 9/2023
Đỗ Thị Thùy Linh (sinh năm 2000) sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa. Cô sớm theo đuổi con đường âm nhạc và hiện tại đã là một DJ có tiếng. Dù chỉ mới 23 tuổi nhưng Thùy Linh đã có cho mình sự nghiệp vững vàng đi cùng với đó là sự nổi tiếng nhờ sở hữu nhan sắc xinh đẹp.
Chân Nguyên