Nhóm nhạc đến từ nước Mỹ - Carpenters (hoạt động từ năm 1969 - 1983) gồm hai anh em ruột: người anh trai Richard (hiện 74 tuổi) và cô em gái Karen (1950 - 1983). Hai anh em nhà Carpenter đã sáng tạo nên một phong cách âm nhạc đặc trưng bởi sự nhẹ nhàng, mềm mại, đầy sự hoài niệm, nỗi tiếc nhớ nhưng không quá chua xót, đau khổ.
Nhóm Carpenters đã phối hợp giọng nữ trầm của Karen và khả năng sáng tác của Richard để tạo nên một sự nghiệp âm nhạc thăng hoa trải dài 14 năm. Cho tới hôm nay, trên khắp thế giới, vẫn có nhiều người yêu nhạc xem mình là fan của Carpenters, một nhóm nhạc từng được thành lập từ cách đây hơn nửa thế kỷ.
Nhóm Carpenters đã phối hợp giọng nữ trầm của Karen và khả năng sáng tác của Richard để tạo nên một sự nghiệp âm nhạc thăng hoa trải dài 14 năm.
Trong thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp, nhóm Carpenters có hàng loạt bản hit thống trị trên các bảng xếp hạng âm nhạc của Mỹ, họ dẫn đầu trong thể loại "soft rock" (rock nhẹ), một thể loại âm nhạc dễ nghe và đậm chất tự sự dành cho lứa tuổi trưởng thành đã có những trải nghiệm nhất định.
Nhóm Carpenters đã bán được hơn 90 triệu đĩa hát trên toàn thế giới và là một trong những nhóm nhạc ăn khách nhất mọi thời đại. Nhóm đã từng đi lưu diễn không ngừng nghỉ trong thập niên 1970, chính điều này đã khiến hai anh em nhà Carpenter phải chịu đựng những áp lực mệt mỏi không tưởng.
Richard từng phải nghỉ một năm không biểu diễn (năm 1979) sau khi bị nghiện thuốc giảm đau và thuốc an thần, trong khi đó, Karen bắt đầu có những triệu chứng rõ rệt của bệnh biếng ăn, về sau này, Karen qua đời ở tuổi 32 cũng vì những hệ lụy sức khỏe liên quan tới căn bệnh này.
Sự nghiệp biểu diễn của nhóm Carpenters kết thúc vào năm 1983 khi Karen qua đời vì một cơn đau tim xảy ra do hệ lụy của chứng biếng ăn. Chính sự ra đi của cô đã khiến công chúng hiểu rõ sự nghiêm trọng của việc bị rối loạn thói quen ăn uống.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, đã có những giai đoạn hình ảnh của nhóm Carpenters không được ưa chuộng, từng có thời fan cho rằng nhóm cố gắng gây dựng hình ảnh hoàn hảo không tì vết một cách thiếu chân thành, họ che giấu truyền thông - công chúng về những vật lộn khốn khổ của mình trong đời sống riêng.
Dù vậy, sau cùng, âm nhạc của Carpenters luôn được công chúng yêu thích, càng lúc càng được giới phê bình âm nhạc trân trọng, và tiếp tục đạt được thành công về mặt doanh thu bất chấp những đổi thay về thị hiếu âm nhạc qua thời gian.
Phong cách âm nhạc "buồn da diết nhưng không nhất thiết phải bi lụy"
Nhiều tờ tạp chí âm nhạc nhận định rằng nhiều người yêu nhạc trên khắp thế giới thường tìm thấy tâm sự của chính mình trong chất giọng trầm lắng của Karen, trong những câu chuyện được kể bằng âm nhạc của nhóm Carpenters, qua đó, họ tìm thấy sự vỗ về dịu nhẹ trong tâm hồn.
Một cảm nhận chung mà nhiều người có được khi nghe các ca khúc của Carpenters, đó là cảm nhận thoát khỏi không gian và thời gian thực, để trôi về một miền ký ức thân thương gần gũi nhất đối với họ.
Cảm giác tiếc nhớ, hoài niệm là nét đặc trưng trong âm nhạc của Carpenters.
Cảm giác tiếc nhớ, hoài niệm là nét đặc trưng trong âm nhạc của Carpenters, họ đã hát về tình yêu và sự mất mát, theo một cách nhẹ nhàng, trầm lắng, tạo nên sự đồng cảm đối với nhiều người.
Âm nhạc của Carpenters thường đề cập tới những ký ức đã qua, nhưng vẫn gợi lên niềm hy vọng cho tương lai, các ca khúc của nhóm có buồn, có vui, có mất mát và có cả niềm hy vọng, khiến người nghe cảm thấy có sự kết nối với các tầng lớp ý nghĩa mà ca khúc mở ra dựa trên trải nghiệm của người nghe.
Một người xa quê hương, một người mất đi cuộc tình mà họ từng trân trọng, hay ai đó đang trải qua một nỗi buồn nào đó..., tất cả đều sẽ tìm thấy sự đồng cảm trong chất giọng của Karen và những ca khúc của Carpenters.
Tìm đến các ca khúc nổi tiếng của Carpenters, nhiều người muốn tìm một lúc nghỉ ngơi trong niềm an ủi dịu nhẹ đến từ chất giọng của Karen, từ những tia sáng lóe lên trong các ca khúc của Carpenters, tạm quên đi nhọc nhằn của hiện tại, để nhớ về những gì tốt đẹp đã qua với một chút hoài niệm và rồi sau đó đứng lên bước tiếp nhẹ nhàng.
Nói về sự thành công của nhóm Carpenters chắc chắn không thể bỏ qua chất giọng khác biệt và rất dễ nhận ra của Karen. Cô khiến người nghe như cảm nhận được cả chiều sâu và sự ấm áp trong tâm hồn thông qua giọng hát của mình.
Nghe Karen hát như thể nghe tỉ tê trò chuyện, rất dễ chịu, nhẹ nhàng nhưng không kém phần da diết, khắc khoải, chỉ là không bi lụy, vật vã, khổ đau. Cách hát của Karen Carpenter đã ảnh hưởng tới nhiều thế hệ nữ ca sĩ sau này nhưng không ai có thể là Karen được.
Khi đưa Karen vào danh sách "Những ca sĩ xuất sắc nhất mọi thời đại" hồi năm 2010, tạp chí âm nhạc Rolling Stone (Mỹ) từng nhận xét cách hát của Karen "như chuốc rượu, như trò chuyện tâm tình với người nghe, một sự khác biệt gây sửng sốt, những phần trình diễn của nhóm Carpenters tựa như một ngọn đuốc mới thắp lên trong thế giới âm nhạc".
Các sáng tác của Richard Carpenter càng tôn giọng hát của cô em gái lên. Ông Herb Alpert, người từng ký hợp đồng thu âm với nhóm Carpenters hồi năm 1969 đánh giá rằng: "Khi một người hiểu một ca khúc hay là như thế nào, khi họ có thể viết nên một ca khúc hay, bởi họ thực sự có tài năng, hãy coi chừng, những ca khúc ấy có thể tồn tại mãi mãi mà không bị lỗi thời trước thị hiếu".
Thực tế, dự đoán của ông Herb Alpert có cái đúng nhưng cũng có cái sai, bởi bắt đầu từ năm 1976, Carpenters đã bắt đầu chứng kiến sự chững lại trong sự nghiệp, dù vậy, quả thực tầm ảnh hưởng và sức hấp dẫn của Carpenters trong âm nhạc là điều đã được đảm bảo qua thời gian một cách bền bỉ cho tới tận hôm nay.
Việc họ tạo dựng hình ảnh quá hoàn hảo trước công chúng và giấu đi mọi sự chia sẻ chân thực đã khiến một lượng khán giả dần rời bỏ Carpenters.
Về sau, Carpenters chia sẻ chân thực nhiều hơn trong các cuộc phỏng vấn, nhưng đó đã là giai đoạn đi xuống trong sự nghiệp âm nhạc của họ.
Hồi năm 1981, thành viên Richard từng chia sẻ chân thực vì sao nhóm dần vắng bóng trong đời sống âm nhạc khi ấy: "Tôi thấy mệt, tôi thấy ngấy. Chúng tôi đã từng rất yêu thích những gì mình làm, nhưng khi đã đi tới một thời điểm mà ta không còn yêu thích những điều ấy nữa, ta cần có một quãng nghỉ, để hiểu có phải là ta đã mệt mỏi lắm rồi không".
Về phần Karen, ban đầu cô cũng muốn có một quãng nghỉ nhưng rồi cô lại thấy bối rối: "Tôi thấy việc tạm dừng hoạt động cũng tốt trong quãng thời gian đầu, nhưng rồi tôi bắt đầu lo lắng. Tôi đã hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc từ khi còn rất trẻ tuổi nên thực sự tôi không biết gì nhiều ngoài âm nhạc, và tôi cũng chưa từng có những quãng nghỉ dài, nên tôi thấy lạ lẫm không quen".
Sau quãng nghỉ, Carpenters quay trở lại hoạt động âm nhạc nhưng không tạo được những thành công như trước. Chứng biếng ăn của Karen diễn biến phức tạp đòi hỏi cô phải điều trị nghiêm túc để bảo toàn tính mạng, nhưng mọi việc đã trở nên quá muộn màng, bởi sau khi bắt đầu tìm đến điều trị vào năm 1982, đến tháng 2/1983, Karen qua đời ở tuổi 32.
Những ca khúc của Carpenters vẫn tiếp tục hấp dẫn người nghe nhạc đương đại, nhiều người trẻ vẫn tiếp tục tìm nghe lại các ca khúc của nhóm.
Âm nhạc chất lượng sẽ không phân biệt thời kỳ và thị hiếu. Cho tới hôm nay, người ta vẫn phải công nhận rằng không nhiều nữ ca sĩ hát được những bản ballad nói về nỗi đau giống như cách mà Karen đã hát, bởi trong đời sống tình cảm riêng, Karen cũng từng trải qua những đau đớn, mất mát.
Cô có một phong cách hát thủ thỉ khiến người nghe cảm thấy như thể cô đang hát cho riêng họ, hướng tới riêng họ mà thôi. Hàng triệu người yêu nhạc trên khắp thế giới trong hơn 50 năm qua vẫn nghe và nhớ về Carpenters bởi họ tìm thấy tâm sự của chính mình trong những ca từ và trong giọng hát đậm chất tự sự của Karen.