Đứng dậy, vượt qua nỗi chán nản công việc

21/09/2022 09:42
TTO - Đại dịch dần được kiểm soát và hầu hết đang quay lại nhịp sống cũ. Dẫu vậy, nhiều bạn trẻ thừa nhận đang loay hoay tìm giải pháp vì năng lượng, đam mê với nghề không còn như trước.

 

Đứng dậy, vượt qua nỗi chán nản công việc

Nhân sự trẻ cần được hỗ trợ về tinh thần để làm việc hiệu quả, gắn kết hơn hậu COVID-19 - Ảnh: THU UYÊN

Gần một năm qua Quốc Tiến (23 tuổi) - chuyên viên phần mềm - hầu như chưa tham gia hoạt động ngoại khóa hay thảo luận nhóm trực tiếp nào cùng đồng nghiệp. COVID-19 ập đến, tất cả đã quen với làm việc từ xa.Công nghệ quản lýcứng nhắc, đồng nghiệp "xa cách"

Quốc Tiến làm tại một công ty công nghệ nên mọi thứ sau đó nhanh chóng được chuyển qua quản lý từ xa. Nhưng công nghệ dù có tối tân đến đâu cũng làm sao thay thế được sự tương tác trực tiếp. Có khi chỉ một cái vỗ vai khen tặng hay cái ôm sẽ giúp cơ thể tiết ra một số chất dẫn truyền thần kinh có lợi cho sức khỏe.

Chưa kể việc công ty quá phụ thuộc vào công nghệ để đánh giá KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) không mấy thuyết phục nhân viên.

Lúc đầu Tiến cũng thấy thoải mái vì thuộc típ người hướng nội, không có nhu cầu giao tiếp nhiều. Nhưng càng ngày càng thấy vô vị, tẻ nhạt và anh vừa nộp đơn xin nghỉ việc.

"Không hẳn vì nơi mới thu nhập tốt hơn, mà tôi thấy môi trường làm việc cũ không quan tâm lắm đến nhu cầu cảm xúc, tạo sự gắn kết giữa nhân viên và công ty. Chúng tôi thậm chí dần xa cách với nhau", Quốc Tiến bộc bạch.

Quốc Tiến nói công ty quản lý vô cùng chặt việc nhân viên dành bao nhiêu thời gian làm việc và có lướt qua các trang "ngoài lề" hay không. Một số ứng dụng còn cho phép công ty chụp màn hình của nhân viên bất cứ thời điểm nào trong quá trình làm việc từ xa. Trong khi quản lý hầu như chẳng giao tiếp, chỉ gửi văn bản quy định để nhân viên đọc rồi làm theo.

Còn bạn Ngọc Trân (27 tuổi) - chuyên viên kế toán - cho biết bạn cảm thấy rõ trong mình sự "burnout" (tạm hiểu: tình trạng cạn năng lượng, mất hết hứng thú công việc) dù đang làm việc trực tiếp ở văn phòng.

Từng trầm cảm khi sống xa người thân suốt giai đoạn giãn cách vì COVID-19 ở TP.HCM, khi quay lại nhịp sống đời thường, Trân cũng gặp không mấy suôn sẻ khi thu nhập bị cắt giảm, khối lượng công việc lại tăng, gia đình gặp chuyện buồn.

Công ty không có hỗ trợ gì, bạn chọn đọc sách, tìm lời khuyên từ bạn bè và chật vật vượt qua.

Nhiều đồng nghiệp tại công ty cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Điều tưởng nhỏ mà không nhỏ

TS Quang Thục Hảo - ĐH New South Wales (Úc), nhà sáng lập tổ chức Brainy Chat (chuyên phát triển cá nhân dựa trên bằng chứng về khoa học tâm lý và não bộ) - nói một số nghiên cứu tại châu Âu cho thấy sự thay đổi về cơ cấu làm việc sau đại dịch có thể vừa là thách thức vừa là cơ hội để tăng cường động cơ, sự thỏa mãn công việc của người lao động.

"Bài học đúc kết từ các tổ chức thành công trong việc duy trì và phát triển tinh thần làm việc của nhân viên xoay quanh hai điều. Đầu tiên, cần quản lý dựa trên sự cảm thông và tử tế. Thứ hai, đề cao sức khỏe tinh thần và những hỗ trợ kịp thời sau COVID-19", TS Thục Hảo nói.

Văn hóa làm việc cứng nhắc, thậm chí "độc hại", rất dễ bị tẩy chay ở giai đoạn "hậu COVID-19" vì người lao động nhận ra còn nhiều thứ quan trọng hơn công việc (gia đình, sức khỏe...). Do đó, nếu hệ thống quản lý của các công ty, tập đoàn có cái nhìn cảm thông, bớt cứng nhắc sẽ giúp người lao động dễ dàng vượt qua thử thách sau đại dịch, tạo sự gắn kết hơn nữa với tổ chức và hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất.

Song song đó, TS Thục Hảo cho rằng những đơn vị thành công bền vững thường là các tổ chức luôn kịp thời đưa ra những chương trình hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp. Đó có thể là buổi trao đổi chuyên đề giữa nhân viên với chuyên gia, cũng có thể là tham vấn 1-1 giữa những nhân viên gặp cú sốc tâm lý vì chuyện gia đình, hay hỗ trợ thông tin để người lao động thêm cơ hội phát triển bản thân ở một vị trí, tiêu chuẩn làm việc mới.

"Người quản lý giữ vai trò rất quan trọng" - TS Hảo nói và cho rằng cần những nhà quản lý biết làm tốt nhiệm vụ truyền cảm hứng, động lực làm việc cho nhân viên, ngay cả khi làm việc trực tuyến.

"Tham gia đào tạo tại một vài tổ chức, tôi thấy khá nhiều nhà quản lý không nhìn trực tiếp vào camera khi nói chuyện với nhân viên. Nghe tưởng như nhỏ nhặt nhưng không phải, nó mang đến cảm giác không quan tâm hay tôn trọng nên nhân viên sẽ ngại chia sẻ về các khó khăn bản thân đang gặp trong cuộc sống, công việc...", TS Thục Hảo phân tích.

Văn hóa doanh nghiệp

Đây là câu chuyện quan trọng, được hình thành từ nhiều khía cạnh liên quan đến cảm giác và trải nghiệm của người lao động. Theo TS Thục Hảo, để văn hóa doanh nghiệp trở thành "chất kết dính" hiệu quả với nhân tài, cần xây dựng hệ thống quản lý công việc lẫn giao tiếp nội bộ hiệu quả.

"Điều này không quá phức tạp, có thể thay vì gửi tin nhắn văn bản chúng ta hãy gửi một tin nhắn thu âm để lồng ghép vào đó cảm xúc, tâm trạng. Nên có những buổi gặp mặt giao lưu, ăn trưa hoặc đi picnic định kỳ cùng nhau... vì sự gắn kết là vô cùng cần thiết", TS Hảo bổ sung.

CÔNG NHẬT

Theo Nguồn tuoitre.vn

Đứng dậy, vượt qua nỗi chán nản công việc - Tuổi Trẻ