Ô nhiễm tiếng ồn đáng sợ như thế nào?

01/02/2023 12:31
Ô nhiễm tiếng ồn ít được mọi người quan tâm, nếu thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn thì mức độ sử dụng thuốc an thần cao hơn bình thường cũng không tạo ra giấc ngủ bình thường được.

 

Đi viện vì trải qua thời gian dài bị ô nhiễm tiếng ồn, chị Lê Thị Mai (nhân viên văn phòng ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ hiện thính giác của chị chỉ còn 60 - 70% so với trước, người lúc nào cũng mệt mỏi, stress và mất ngủ liên miên vì ô nhiễm tiếng ồn.

Nơi chị Mai sống là cạnh một nhà hàng, tối nào tới 11 - 12 giờ khuya những bợm nhậu vẫn hát hò, la hét chén chú, chén anh. Vì quá ồn ào nhiều lần chị Mai cũng nhắc nhở nhưng không được giải quyết. Thậm chí, chủ nhà hàng còn doạ nạt nên chị đành chịu đựng.

Chị Mai nhận thấy mình nhạy cảm với tiếng ồn, người ta nói hơi to chút chị đã ong đầu nên khi nghe tiếng ồn trong thời gian dài chị mất ngủ. Người lúc nào cũng mệt mỏi, có dấu hiệu trầm cảm nên chị đến bệnh viện khám.

Sau khi tư vấn cho chị Mai xong, bác sĩ tư vấn chị nên đi kiểm tra thêm thính lực. Chị Mai bất ngờ khi đo thính lực đã giảm sâu.

Ô nhiễm tiếng ồn đáng sợ như thế nào?

PGS An khám cho bệnh nhân.

Còn chị Vũ Thị Hường (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ nơi ở của chị bị ô nhiễm tiếng ồn nặng. Ban ngày chị Hường đi làm tại một cửa hàng tiện ích đã mệt mỏi nhưng về nhà cứ đặt lưng xuống nghỉ ngơi là hành lang chung cư huynh huỵch tiếng trẻ con nô đùa, phi xe lắc, la hét.

Có lúc, chị Hường nhắn vào nhóm kín nhờ các mẹ nhắc nhở các cháu hạn chế tiếng ồn thì chị Hường lại nhận "gạch đá" thậm chí có người còn nguyền rủa chị sẽ không có con.

Có những hôm hơn 11h khuya hàng xóm còn ầm ầm, trẻ nô đùa ngoài hành lang dù đóng cửa vẫn như có người gõ vào đầu.

Thực tế đã có rất nhiều vụ án mạng đau lòng xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ sự “tra tấn” của những thứ âm thanh được sử dụng với âm lượng “quá tải”, trong đó đặc biệt là từ việc hát karaoke. Người mở loa to, người bị làm phiền dẫn tới cãi vã.

BS Huỳnh Thanh Hiển - BV Tâm thần TP.HCM cho biết số lượng bệnh nhân đến khám do mất ngủ tăng 10-20% so với thời điểm trước dịch, ở mọi lứa tuổi. Tình trạng mất ngủ tập trung ở các nguyên nhân chủ yếu như căng thẳng trong công việc, cuộc sống, ảnh hưởng của tiếng ồn nơi ở.Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc Bệnh viện An Việt những ngày qua, có khá nhiều người tới khám các vấn đề về tai. Đa số là các bệnh lý như viêm tai giữa ở trẻ, tuy nhiên cũng có một số người đi khám khi gặp tình trạng suy giảm thính lực vì tiếng ồn quá lớn nơi sinh sống, làm việc hoặc do thói quen sử dụng tai nghe.

PGS. Hoài An cho biết, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn đã được quan tâm từ nhiều thập kỷ trước. Từ lâu ở các nước châu Âu dọc các con đường cao tốc đi qua khu dân cư đều lắp đặt hệ thống kính để chặn bớt tiếng ồn.

Ngày nay với sự phát triển về đời sống xã hội, lượng ô tô tăng vọt cũng như nhiều nhà máy sản xuất gây tiếng ồn lớn, các thiết bị nghe nhạc, hát karaoke hay loa công cộng làm tăng đáng kể tiếng ồn trong môi trường.

Tác động lớn nhất của tiếng ồn có thể gây chấn thương âm làm con người bị điếc không hồi phục (điếc vĩnh viễn). Ngoài ra, môi trường ồn làm cho hệ thần kinh mệt mỏi suy nhược ảnh hưởng tới huyết áp, tim mạch, giấc ngủ, bị stress...

Chúng ta biết rằng tiếng ồn 90-100 dB trong thời gian dài sẽ gây tổn thương tế bào thính giác ở tai gây điếc vĩnh viễn không chữa được.

Một số trường hợp khác bị điếc đặc cả 2 tai do tiếng nổ của bom hoặc những công nhân làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn cũng dễ bị điều này.

Theo PGS Hoài An, để tránh những tổn thương tới tai cần hạn chế tiếp xúc với tiếc ồn lớn. Một số chú ý như:

- Khi làm việc trong phân xưởng có tiếng ồn lớn cần đeo nút tai để hạn chế tiếng ồn.

- Hạn chế mở loa, đài to trong phòng kín nhất là khi có trẻ nhỏ.

- Khi vào phòng hát karaoke không nên ngồi lâu hoặc thi thoảng phải đi ra ngoài để hạn chế tác động của tiếng ồn lớn.

- Không tiếp xúc gần, nhiều với các nguồn âm thanh lớn như loa quảng cáo, loa ca hát mở lớn tại các cửa hàng, khu chung cư.

- Đeo tai nghe không nên mở tiếng quá to, đeo khoảng 40-45 phút nên bỏ ra cho tai nghỉ ngơi một lúc rồi mới đeo lại.

K.Chi

Theo Nguồn infonet.vietnamnet.vn

Ô nhiễm tiếng ồn đáng sợ như thế nào? - Sức Khỏe