Oscar 2023: Thời của châu Á tại Hollywood đã tới!

14/03/2023 10:12
Phải mất tới 30 năm, điện ảnh gốc Á mới được Oscar thừa nhận và tôn vinh tinh hoa của họ, trong một bộ phim mà hiểu theo nghĩa đen là 'mọi thứ mọi nơi cùng hội tụ'.

 

Oscar 2023: Thời của châu Á tại Hollywood đã tới!

Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất Dương Tử Quỳnh và nam diễn viên phụ xuất sắc nhất Quan Kế Huy chụp hình lưu niệm sau lễ trao giải Oscar 2023 tại Hollywood, Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 12-3-2023 - Ảnh: Reuters

Oscar năm 2023 cũng tôn vinh nhiều tài năng vẫn bền bỉ với sự nghiệp hoặc không bao giờ bỏ cuộc.

Tinh hoa châu Á

Cách đây gần 90 năm, một nữ diễn viên da trắng tên Luise Rainer đã từng nhận giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, nhờ hóa trang thành "da vàng" để đóng vai một người dân quê ở Trung Quốc trong bộ phim The Good Earth (1937).

Và cả nhiều năm sau đó nữa, những nhân vật gốc Á trong các bộ phim của Hollywood vẫn hết sức mờ nhạt, bên lề hoặc chưa bao giờ đại diện cho tiếng nói của sắc tộc họ.

Đó là lý do tại sao chủ đề châu Á trong các bộ phim của Hollywood đều được kể từ góc nhìn của người Mỹ với rất nhiều khuôn mẫu đã sáo mòn từ lâu. Điện ảnh châu Á vì vậy ít có được những vai diễn thành công hoặc được tôn vinh bằng các giải thưởng có giá trị.

Mãi đến năm 1993, The Joy Luck Club (Phúc Lạc Hội), bộ phim dựa theo cuốn tiểu thuyết của Amy Tam gây tiếng vang lớn, được đánh dấu là tác phẩm lớn đầu tiên về người châu Á mà họ là nhân vật trung tâm với dàn diễn viên gốc Á hoàn toàn.

Những thành công sau đó, dù ngắt quãng, nhưng vẫn được tiếp nối bằng những giải thưởng mang tính cột mốc. Năm 2000, Ngọa hổ tàng long của Lý An, đại diện cho điện ảnh Đài Loan, nhận 10 đề cử và thắng tới bốn giải tại Oscar năm đó.

Năm 2019,Parasitecủa Hàn Quốc lập kỷ lục với bốn giải, trong đó có giải Phim hay nhất, điều chưa từng có trong tiền lệ Oscar khi Viện hàn lâm trao cho một phim không nói tiếng Anh.

Một năm sau đó, Minari tiếp tục ghi dấu thành công của điện ảnh Hàn ở hải ngoại với giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Youn Yuh-jung. Năm ngoáiDrive my carcủa Nhật Bản nhận bốn đề cử và chiến thắng giải Phim quốc tế...

Nhưng năm nay, thời của điện ảnh châu Á tại Hollywood mới thực sự tới vớiEverything Everywhere All At Once- bộ phim hài giả tưởng về đa vũ trụ đã càn quét và giành tới bảy giải thưởng trên tổng số 11 đề cử.

Hai đạo diễn 8X Daniels lần đầu được đề cử và "ăn ba" với Oscar cho Phim, Đạo diễn và Kịch bản gốc xuất sắc nhất. VàDương Tử Quỳnhtrở thành người châu Á đầu tiên thắng giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

Trong khi đó, Ấn Độ - một đại diện khác của châu Á giành về hai giải Oscar: giải Oscar Ca khúc nhạc phim gốc hay nhất cho Naatu Naatu trong phim RRR (Rise Roar Revolt) của đạo diễn người Ấn S. S. Rajamouli và giải Phim tài liệu ngắn hay nhất cho The Elephant Whisperers của nữ đạo diễn Kartiki Gonsalves.

Oscar 2023: Thời của châu Á tại Hollywood đã tới!

Màn trình diễn Naatu Naatu - ca khúc Ấn Độ đầu tiên đoạt giải Oscar - trên sân khấu lễ trao giải Oscar lần thứ 95 - Ảnh: Reuters

Tượng vàng cho những người bền bỉ

Một điều ấn tượng nữa ở bốn hạng mục diễn xuất là cả bốn diễn viên thắng giải đều lần đầu được đề cử Oscar, cho dù họ đều ở độ tuổi ngoài 50 hoặc 60 và có một sự nghiệp điện ảnh kéo dài 3-4 thập niên.

Quan Kế Huy- diễn viên người Mỹ gốc Hoa sinh tại Việt Nam thắng giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhờ vai người chồng "tử tế" Waymond trongEverything Everywhere All At Once. Chiến thắng của nam diễn viên 51 tuổi này càng thêm có ý nghĩa khi anh từng là một diễn viên nhí thành danh hồi đầu thập niên 1980 nhờ được đạo diễn Steven Spielberg phát hiện và nâng đỡ.

Sau hai vai diễn thành công, Quan Kế Huy đã phải chật vật tìm chỗ đứng ở Hollywood, thậm chí phải sang châu Á để tìm kiếm cơ hội. Có lẽ vì thế mà sau gần hai thập niên quay lại với điện ảnh và có được một vai diễn hay, anh đã tận dụng mọi cơ hội để đưa tên tuổi của mình trở thành tâm điểm một lần nữa.

Câu chuyện chiến thắng hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc của Brendan Fraser cũng gây xúc động không kém. Brendan từng diễn chung với Quan Kế Huy thời mới vào nghề, đóng chung với Dương Tử Quỳnh ở thời đỉnh cao và rồi biến mất nhiều năm sau đó vì khủng hoảng cá nhân và sự nghiệp xuống dốc.

Và lần trở lại này của Brendan Fraser ở tuổi 54 mang theo một tác phẩm đầy sức nặng, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nam diễn viên vào vai một người đàn ông đồng tính mắc bệnh béo phì tìm sự cứu rỗi trong những giờ khắc cuối cùng của đời mình.

Vai diễn lay động của Brendan Fraser trong phimWhalexứng đáng với giải Oscar và đó cũng là chiến thắng khiến khán giả cảm thấy hạnh phúc nhất, vì "thật vui khi thấy một người tốt giành chiến thắng".

Jamie Lee Curtis, một nữ diễn viên "chưa bao giờ vắng mặt" trong suốt hơn ba thập niên qua ở Hollywood cũng hoàn toàn xứng đáng với giải Oscar đầu tiên của bà. Có một sự nghiệp bền bỉ và được tôn trọng, nữ diễn viên 64 tuổi này là "con nhà nòi" của hai diễn viên nổi tiếng của Hollywood thời hoàng kim là Janet Leigh và Tony Curtis.

Bố mẹ của bà cũng từng được đề cử Oscar nhưng chưa bao giờ chiến thắng, vì vậy mà giải thưởng lần này với bà là để tiếp nối di sản của bố mẹ và tôn vinh cho tình yêu điện ảnh không bao giờ phai nhạt của họ.

Dương Tử Quỳnh lập kỷ lục

Và một chiến thắng nữa thực sự gây cảm hứng cho mùa giải năm nay là chiến thắng của Dương Tử Quỳnh khi bà lập kỷ lục trở thành nữ diễn viên châu Á đầu tiên thắng giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc.

Dương Tử Quỳnh cũng là minh chứng cho nỗ lực bền bỉ và không bao giờ bỏ cuộc của cô. Từ một hoa hậu Malaysia năm 1983, một "đả nữ" tung hoành màn ảnh Hong Kong những năm 1990, những vai diễn phụ làm nền trong các siêu phẩm của Hollywood sau đó, Dương Tử Quỳnh chỉ thực sự được tôn vinh bằng một giải thưởng danh giá ở tuổi đã ngoài 60.

Vai diễn người mẹ Evelyn của cô trong Everything Everywhere All At Once là một màn hóa thân xuất sắc và như để vinh danh sự nghiệp bền bỉ hơn 40 năm của cô trong điện ảnh.

Chiến thắng của Dương Tử Quỳnh vì vậy càng có ý nghĩa và truyền cảm hứng qua câu nói "đừng để cho bất kỳ ai nói với bạn rằng bạn đã hết thời!".

Gần 90 năm, từ một nữ diễn viên da trắng thắng giải Oscar nhờ hóa trang thành da vàng để đóng vai người châu Á trong bộ phim The Good Earth, Dương Tử Quỳnh đã chiến thắng Oscar, nâng thêm vị thế cho người châu Á và điện ảnh châu Á.

Một số giải thưởng khác:

All Quiet on the Western Front - bộ phim được Đức - Mỹ sản xuất do biên kịch - đạo diễn Edward Berger chuyển thể từ tiểu thuyết Phía Tây không có gì lạ của Erich Maria Remarque thắng bốn giải: Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, Quay phim xuất sắc, Thiết kế sản xuất xuất sắc và Nhạc phim gốc hay nhất.

Giải Oscar Phim hoạt hình hay nhất thuộc về phim Guillermo Del Toro's Pinocchio.

Giải Phim tài liệu hay nhất được trao cho Navalny của đạo diễn Daniel Roher.

Vì sao Everything Everywhere All At Once được lòng Viện hàn lâm?

Everything Everywhere All At Once mang tới một nguồn năng lượng rất mới mẻ của những nhà làm phim mới - để lan tỏa một tinh thần điện ảnh mới khi bộ môn nghệ thuật này đang ngày càng an toàn và mất dần sức hút với công chúng.

Tài năng kể chuyện "thiên biến vạn hóa" của hai đạo diễn trẻ chinh phục người xem qua ngôn ngữ điện ảnh hỗn loạn và "nhanh như điện giật" của họ để truyền tải một chủ đề rất quen thuộc - mà nếu kể với phong cách truyền thống chắc chắn họ sẽ thất bại.

Đây thực ra chỉ là một bộ phim gia đình, mượn chủ đề đa vũ trụ thời thượng chỉ làm lạ hóa cách kể và cũng nhằm nói tới sự hỗn loạn của gia đình này cũng như giá trị sống nói chung của đời người.

Thông qua chuyến du hành đa vũ trụ, một gia đình nhập cư gốc Á chợt nhận ra rằng họ nhỏ bé và yếu ớt như thế nào trong sự bao la của vũ trụ. Và họ cũng biết trân quý những giá trị của gia đình như thế nào khi học cách để chấp nhận nhau và không làm khổ nhau.

Những thông điệp gia đình gần gũi, mang tính phổ quát được truyền tải trong một bộ phim của "thế hệ gen Z" qua cách kể đầy sáng tạo và hấp dẫn.

Theo Nguồn tuoitre.vn

Oscar 2023: Thời của châu Á tại Hollywood đã tới! - Phim Nhạc