Những tình yêu ấy nảy nở bên chiến hào để bảo vệ bầu trời Hà Nội, trên thao trường hay qua những buổi tối tập văn nghệ. Thậm chí chỉ trên một chuyến tàu điện đi làm cũng có thể dẫn đến một tình yêu đình mệnh. Ngày ấy những mối tình nảy nở thật giản dị và trong sáng. Họ đến với nhau không đòi hỏi vật chất, tiền bạc, không vụ lợi danh vọng và lãng mạn thì có thừa.
Bách hóa Tổng hợp Bờ Hồ là một trong những nơi hẹn hò của các cặp đôi thời Hà Nội còn gian khó |
Lối của trái tim
Mối tình của cặp đôi Hoàng Trọng, Kim Thanh là minh chứng cho một câu chuyện tình đầy thơ mộng, như có sự sắp đặt ngẫu nhiên của duyên số. Đêm chung khảo Hội diễn văn nghệ không chuyên ở Nhà hát Lớn Hà Nội, không khí nhộn nhịp ngay trước giờ khai mạc. Sắp đến tiết mục của trường Đại học Sư phạm thì một sự cố hy hữu xảy ra. Nhạc công đệm đàn Accordion cho tiết mục bị đau ruột thừa phải cấp cứu.
Cả nhóm văn nghệ nhà trường tá hỏa, anh phụ trách đứng ngồi không yên. Đúng lúc ấy tiết mục đồng ca của một đơn vị khác vừa kết thúc. Đội nhạc của họ vừa vào cánh gà, không bỏ lỡ cơ hội, anh phụ trách tiếp cận ngay người kéo đàn Accordion nhờ đệm giúp cho 2 tiết mục múa và đơn ca nữ. Người thanh niên trẻ nhận lời và yêu cầu cho xem bản nhạc múa để anh dạo qua, còn bài hát “Bóng cây Kơ Nia” anh đệm hát nhiều lần nên đã thuộc, không cần phải khớp nhạc.
Đến tiết mục trình diễn của trường sư phạm, Kiều Thanh - vốn được mệnh danh là con chim sơn ca của trường tự tin bước ra sân khấu. Nhạc dạo vừa vang lên cũng là lúc giọng hát vút cao trong vắt rồi lại ngân nga như tiếng chim hót, tiếng suối róc rách. Tiếng đàn điêu luyện càng tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho người biểu diễn. Hết quãng ngân cuối cùng, tiếng vỗ tay của khán giả vang lên không ngớt. Tiết mục đơn ca hôm ấy đã giành được Huy chương Vàng của hội diễn. Từ sau buổi văn nghệ đó, 2 người quen nhau. Hoàng Trọng xin địa chỉ của Kim Thanh và từ đó thường xuyên trao đổi thư từ. Tình yêu bén duyên từ những lá thư tình như vậy.
Rồi vào một chủ nhật nọ, Hoàng Trọng mượn được chiếc xe đạp của bạn cùng đơn vị. Anh rất hồi hộp vì lần đầu tiên hẹn Kim Thanh đi chơi phố. Do đơn vị thông tin của anh đóng xa ngoại thành Hà Nội nên muốn đến trường của Kim Thanh cũng mất hơn 10 cây số đi tàu điện, chưa kể phải chuyển tàu 3 tuyến mất rất nhiều thời gian nên xe đạp là thượng sách. Đứng cách cổng trường vài chục mét, ngóng mãi rồi cũng thấy bóng dáng cô nàng xuất hiện.
Trông Kim Thanh hôm đó nhỏ nhắn, xinh đẹp, thơ ngây đúng là một cô sinh viên năm thứ hai chứ không lộng lẫy và sang trọng trong chiếc áo dài hoa và khuôn mặt son phấn như đêm biểu diễn ở Nhà hát Lớn. Còn Hoàng Trọng cũng thay quần áo bộ đội bằng chiếc sơ mi trắng, quần simili tím than, đi giày đen, tay đeo đồng hồ Poljot. Họ chở nhau trên chiếc xe đạp vào trung tâm thành phố để ngắm hồ nước trong xanh có tháp Rùa và vào Bách hóa Tổng hợp tham quan, sau đó đi ăn kem Tràng Tiền.
Phương tiện đi lại của các cặp đôi yêu nhau thời bao cấp là xe đạp |
Cung trầm thời chiến
Lần đầu tiên Kim Thanh ngồi lên xe đạp của chàng trai mà nàng ấn tượng ngay những lần đầu gặp gỡ. Anh điềm đạm, ít nói nhưng tình cảm được thể hiện từ đôi mắt đã thay cho lời muốn nói. Rồi cuối cùng họ cũng tìm được một chiếc ghế đá ven hồ Tây để ngồi ngắm những chiếc thuyền lướt sóng và chuyện trò, tâm sự. Tình yêu chỉ trong sáng đến vậy. Hoàng hôn buông xuống, mặt trời đỏ rực in bóng nước cũng là lúc 2 người ra về.
Chiếc xe đạp cũ lâu ngày không tra dầu xích kêu ken két khiến Trọng phát ngượng. Quãng về trường sư phạm dài hơn 10 cây số nhưng anh cảm thấy phố phường như ngắn lại, chẳng bù lúc đến lối xa hun hút đạp mỏi chân trên con đường toàn đá sỏi. Gần đến cổng trường, Kim Thanh nhắc anh dừng xe từ xa để các bạn học khỏi nhìn thấy.
Đến ngày sinh nhật bạn gái, Hoàng Trọng loanh quanh đến 5 - 6 cửa hàng bán đồ lưu niệm khắp các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Gai, Hàng Bông để tìm mua vài thứ quà tặng. Rất nhiều mặt hàng đẹp nhưng giá lại không rẻ chút nào, trong khi túi tiền của anh bộ đội thì eo hẹp dù vừa lĩnh lương xong. Rồi anh cũng quyết định mua một chiếc khăn voan của Liên Xô hình bông hoa màu sắc rực rỡ, thêm đôi bít tất mỏng, chiếc vòng đeo tay của Tiệp. Xong xuôi, anh thở phào nhẹ nhõm. Ngay tối đó, anh đến đón Kim Thanh lên phố chơi. Rồi khi vừa ngồi trò chuyện trong quán giải khát, anh đã trịnh trọng trao quà sinh nhật cho người yêu. Kim Thanh cảm động nắm chặt tay anh, đây cũng là lần đầu tiên cô nhận quà sinh nhật từ một người đàn ông. Vài tháng sau, Hoàng Trọng có quyết định vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Buổi tiễn chân, Kim Thanh mắt đỏ hoe bin rịn nhắc anh bảo trọng, giữ sức khỏe và luôn viết thư về. Rồi cô lấy chiếc vòng tay mà Hoàng Trọng tặng trong ngày sinh nhật vẫn đang gói trong khăn mùi xoa bảo anh hãy giữ lấy để luôn nhớ đến cô.
Thời gian đầu, họ vẫn nhận được thư của nhau. Về sau, do đơn vị chuyển quân liên tục trên nhiều mặt trận nên thành ra mất liên lạc hoàn toàn. Hoàng Trọng luôn nhớ đến kỷ niệm đẹp trên chiếc xe đạp chiều chủ nhật ở con đường Cổ Ngư, lúc ngồi ghế đá ngắm mặt nước hồ Tây và thủ thỉ hẹn ước.
Rồi trong một trận phục kích của địch, anh bị thương và được đưa ra Bắc điều trị. Những ngày nằm ở khu điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh), anh đã tìm mọi cách liên lạc ra bên ngoài mong có lại được tin tức của Kim Thanh nhưng vẫn bặt vô âm tín. Vài năm sau, anh nghe tin Kim Thanh đã có gia đình. Trái tim chàng Hoàng Trọng từ ấy vẫn luôn giữ hình ảnh của mối tình đầu, dù sau này anh cũng lập gia đình rồi cả cháu nội, cháu ngoại. Không biết Kim Thanh thuở ấy có còn giữ chiếc khăn voan in hình bông hoa sặc sỡ. Thế mà cũng đã hơn nửa thế kỷ qua rồi.