Đình Chí Hòa có niên đại hơn 300 năm và là một trong những ngôi đình cổ nhất Nam Bộ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thông tin được đưa ra tại lễ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình Chí Hòa, diễn ra vào sáng 10-3 tại TP.HCM.
Buổi lễ có sự tham dự của ông Trần Thế Thuận - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, ông Lâm Thiếu Kỳ - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM, ông Bùi Thế Hải - phó chủ tịch UBND quận 10, ông Phạm Thanh Lâm - trưởng Ban quản lý đình Chí Hòa...
Đình Chí Hòa xuống cấp trầm trọng, 4 lần tu sửa
Với tuổi đời hơn 300 năm, đình Chí Hòa được xem là ngôi đình cổ nhất Nam Bộ và là một trong những ngôi đình cổ nhất ở nước ta. Đây cũng từng là nơi nhà giáo Võ Trường Toản mở lớp đào tạo những danh nhân văn hóa, chí sĩ yêu nước một thời.
Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Lâm cho biết ngôi đình cổ phải nhiều lần tu sửa, chống sập. Theo đó, lần tu sửa đầu tiên vào khoảng 10 năm trước, khi khu vực chính điện có nhiều dấu hiệu sắp sập, UBND quận 10 đã chi gần 245 triệu đồng để tu bổ cấp thiết. Ba lần sau dựa vào kinh phí thành phố.
Đình Chí Hòa đã qua bốn lần tu sửa, nhiều chỗ xuống cấp trầm trọng - Ảnh: TRẦN MẶC
"Do những yếu tố lịch sử, đình càng ngày càng xuống cấp, thậm chí có những chi tiết xuống cấp nghiêm trọng. Về phía chúng tôi, những người quản lý cảm thấy không thể yên tâm nhìn những tài sản vô giá như thế này phải hằng ngày xuống cấp.
Tính đến nay đã có bốn lần phải chống sập cho đình. Đến giờ, khi được khởi công trùng tu, tôn tạo lại, chúng tôi cảm thấy rất mừng vì đây đúng vào thời điểm đình không chịu thêm được nữa" - ông Phạm Thanh Lâm chia sẻ.
Sau hơn 300 năm tồn tại, đến nay đình Chí Hòa đã có nhiều thay đổi. Theo quan sát, nhiều vách tường ở trong tình trạng ẩm mốc, nứt vỡ. Ngoài ra, các mái ngói âm dương phần nhiều đã cũ nát, lộ ra khoảng trống.
Vì lẽ đó, khi được đề xuất dự án tu bổ, tôn tạo ngôi đình, hầu hết người dân địa phương đều ủng hộ dự án.
Ông Phạm Thanh Lâm - trưởng Ban quản lý đình Chí Hòa - Ảnh: TRẦN MẶC
"Phải nói khi được sửa chữa, nhân dân xung quanh rất mừng, từ lãnh đạo, chính quyền địa phương đến nhân dân đều ủng hộ. Khi chúng tôi đưa thông tin này lên mạng, một số người dân cũng hỏi chúng tôi làm bao giờ xong và khi đình tiến hành tu bổ họ có được vào thắp nhang không. Họ trân trọng đến như vậy đó" - trưởng Ban quản lý đình Chí Hòa cho biết.
Hạ giải toàn bộ ngôi đình để tu bổ, tôn tạo
Tại buổi lễ khởi công, ông Trần Thế Thuận phát biểu: "Việc tu bổ và bảo quản di tích là một việc làm không chỉ có giá trị về mặt bảo tồn di sản văn hóa, mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho cả cộng đồng.
Đây cũng là việc làm thể hiện lòng biết ơn các nghệ nhân, các bậc tiền bối đã tốn bao công sức và trí tuệ gầy dựng, để lại cho hậu thế chúng ta và con cháu mai sau một tài sản văn hóa vô cùng độc đáo để chiêm ngưỡng, nghiên cứu và học tập".
Từ trái qua: ông Lâm Thiếu Kỳ, ông Trần Thế Thuận, ông Bùi Thế Hải, ông Phạm Thanh Lâm thực hiện nghi thức khởi công - Ảnh: TRẦN MẶC
Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM quyết định tu bổ, tôn tạo di tích đình Chí Hòa bằng ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư 34 tỉ đồng. Thời gian tu bổ dự kiến là 540 ngày.
Đại diện đơn vị thi công dự án cho biết đình Chí Hòa sẽ được hạ giải toàn bộ, gồm: võ ca, chánh điện và đông lang - tây lang. Vì tuổi đời lâu năm và nhiều phần đã hư hỏng nặng nên chỉ giữ lại bộ hoành phi, đối liễn và bốn cây cột gỗ chính của đình. Các phần còn lại sẽ được thi công sao cho vẫn giữ được nét cổ kính của ngôi đình.