Mùa hoa gạo. Ảnh: Quang Vinh.
Vậy là bạn đã sống xa quê 20 năm có lẻ. Nỗi nhớ quê luôn thường trực trong lòng nên bạn hay nhớ đến tôi, con bé tóc vàng hoe khét nắng, đầu trần chân đất chạy rông khắp cánh đồng làng.
Nỗi nhớ dẫn bạn về con đường đất đỏ đầu làng, nơi có những gốc gạo cổ thụ với bông gạo đỏ xoay tròn trong gió. Tôi vẫn nhớ như in, hồi bé, bạn thích gọi “mộc miên” hơn là “hoa gạo”, còn tôi thì ngược lại, thế nên giữa chúng ta đã có cuộc giận dỗi tới… vài ngày.
Bạn hỏi tôi mùa này hoa gạo đã bừng nở nơi đầu làng chưa và tưởng tượng ra tán gạo già sẽ rực đỏ giống như một mâm xôi gấc lớn. Tôi chưa biết trả lời bạn ra sao, vì cả ba gốc gạo già ấy, mới rồi đã lần lượt bỏ làng mà ra đi không biết vì tuổi tác hay vì môi trường khí hậu. Vì thế, tháng ba này làng mình vắng màu hoa gạo.
Nhưng tôi chắc chắn rằng, những bông gạo đã trổ hoa đỏ rực. Trong dịp đi chùa Hương năm ngoái, tôi đã bị ám ảnh bởi dãy hoa gạo soi mình xuống dòng suối Yến. Nơi đây, những cây gạo tuy không cổ thụ như ba cây gạo đầu làng tôi, nhưng những sắc đỏ dọc trên dòng suối dẫn về đất Phật này thật sự là một hình ảnh đẹp hiếm hoi. Tôi cũng xao lòng khi đi qua cây gạo ven Hồ Gươm. Đó là cây gạo cổ thụ, nhưng những chùm hoa gạo vẫn như thắp lửa trên vòm trời. Và trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia, những cây gạo cũng thắp lửa trên những vòm mái kiến trúc Pháp cổ. Vẻ đẹp của hoa gạo nơi đây hấp dẫn du khách gần xa…
Tôi cũng thường bị những thân cành khẳng khiu của cây gạo chinh phục khi thấy chợt rực lên màu hoa đỏ gối lên sườn núi xanh mỗi lần đi Tây Bắc vào dịp tháng tư. Những đốm lửa ấy dù nhỏ nhoi thấp thoáng thôi nhưng bao giờ cũng đánh thức trong tôi cả một vùng kí ức thơ bé, với đám bạn chân tay lem luốc, với xóm làng, quê hương.
Và cả trong thơ nữa. Những vần thơ về hoa gạo, không hiểu sao, đến giờ tôi vẫn thích. Tôi nhớ, trong cuốn sổ tay, tôi đã chép tới hơn 20 bài thơ về hoa gạo. Có những tác giả, như nhà thơ Bình Nguyên Trang chẳng hạn, tôi chép tới 3 bài.
Trong đó, có những câu: “Năm ấy mẹ sinh em mùa đói/ Tháng ba nhọc nhằn hoa gạo rụng hố vôi/ Cha đi vắng rét nàng Bân buốt nhói/ Mẹ ướt mồ hôi, em khóc chào đời (…) Tháng ba đi, hoa gạo nở hết rồi/ Mẹ đếm tuổi em bằng cánh hoa mùa cuối/ Thư gửi em chừng là viết vội/ Mẹ giục về đi lấy chồng thôi…” (Nỗi niềm tháng Ba). Hay trong một bài khác, bài “Hoa gạo”, Bình Nguyên Trang viết: “…hoa mỏng phận mình/ để dày ký ức/ đứa trẻ buồn/ chạy dọc tháng ba xanh…”; Chưa hết: “hoa gạo đỏ/ người gắn biển quê nhà/ trong hồn tôi/ mùa rưng rưng khói/ rơm rạ ủ/ ngày không phố xá/ cho tôi về nhận mặt cố hương…”
Tôi biết bạn cũng nặng lòng với màu hoa gạo ấy, vì nó gắn bó với tuổi thơ chúng mình, gắn bó với những tháng năm thơ trẻ ở một làng quê nghèo nhưng đầm ấm. Những vòng hoa đỏ kết từ bông gạo, những con thuyền lá chở đầy bông trắng xuôi trên con kênh đào rộng lớn như thể dòng sông, cả bạn và tôi tin chắc nó sẽ chở những ước mơ của chúng mình về tận biển cả, nơi chân trời xa xăm và rộng lớn. Hẳn bạn vẫn còn giữ trong lòng cái cảm giác hân hoan khi nhặt được những bông gạo đỏ, nó đúng là “từ trên trời rơi xuống” phải không? Món quà từ thiên nhiên ấy làm chúng mình sung sướng suốt cả thời thơ trẻ và dư âm của nó còn theo tới tận bây giờ.
Những ngày tháng ba, khi về lại trên con đường đất đỏ dẫn vào làng, bạn sẽ không gặp lại màu hoa ấy. Những đốm lửa hồng ấm áp và thân thuộc ấy không còn cháy rực giữa thinh không lộng gió, nó đã đi xa, đã nằm gọn trong miền ký ức của nhiều người. Nhưng tôi biết, màu lửa ấy sẽ không bao giờ tắt trong tâm tưởng chúng mình và mỗi khi nhớ về tuổi thơ, nhớ đến làng quê cũ, nó vẫn mãi sưởi ấm tâm hồn những người con quê hương như tôi, như bạn…
Thế là chúng mình đã lại gặp nhau, dù chưa giáp mặt. Màu lửa tháng ba ấy đã khiến chúng mình gần nhau hơn trong nỗi niềm thương mến. Tôi thấy hiện ra rất rõ hình ảnh hai đứa bé tóc vàng cháy nắng đang chạy nhảy hân hoan quanh gốc gạo sần sùi to tướng cùng những tràng hoa kết rực đỏ. Tiếng reo vui gần đến nỗi tôi tưởng như mình đang giơ tay đỡ lấy tràng hoa màu lửa thắm…